PHONG TỤC ĐỘC ĐÁO VÀO NGÀY TẾT Ở NHẬT
1. VÌ SAO NGƯỜI NHẬT BỎ TẾT ÂM?
Trước đây, Nhật Bản cũng tổ chức Tết âm như các nước Châu Á khác. Tuy nhiên, kể từ sau cải cách của Minh Trị đến nay, người dân xứ sở hoa anh đào đã đón Tết dương như phương Tây.
1.1. Do cải cách của Thiên Hoàng Minh Trị năm 1873
Từ thế kỷ thứ 6 cho đến năm 1873, Nhật Bản vẫn sử dụng âm lịch là phương pháp tính thời gian chính thức ở đây. Người dân xứ Phù tang vẫn đón Tết vào những ngày đầu tiên của năm Âm lịch mới như các nước khác.
Tuy nhiên, giữa những năm 1870, cuộc cải cách duy tân của Thiên hoàng Minh Trị đã làm thay đổi cục diện kinh tế – xã hội ở Nhật. Phong trào Âu hóa nổ ra tác động nhiều đến văn hóa và đời sống của người dân.
Năm 1873, Thiên hoàng Minh Trị đã quyết định bỏ lịch Âm và dùng lịch Dương để phù hợp hơn với các nước phương Tây. Ở thời điểm đó, giới lãnh đạo Nhật cho rằng các phong tục – tập quán của người Châu Á, đặc biệt là những ảnh hưởng của Trung Quốc đều kém cỏi hơi so với các nước Châu Âu và Mỹ.
Sau quyết định đó, ngày 03/12/1872 (Âm lịch) đã bị sửa thành 01/01/1873 (Dương lịch). Từ đó, người dân Nhật Bản cũng đón Tết theo Dương lịch cho đến nay.
Quyết định bãi bỏ Âm lịch của Chính phủ Nhật lúc bấy giờ được cho là quá đột ngột (chưa đầy 1 tháng trước khi đến Tết nguyên đán) khiến người dân không khỏi bất ngờ và bị động.
1.2. Người Nhật Bản muốn thoát khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa
Vào thế kỷ 19, Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như việc ký với Mỹ các hiệp ước không có lợi, cũng như tình hình lúc đó các nước phương Tây đang tìm cách đô hộ các nước nhỏ. Nhật Bản nhận thấy rằng các nước Châu Âu và Châu Mỹ đã phát triển tiến bộ, vượt xa so với Phương Đông. Ngay cả Trung Quốc từng là quốc gia mạnh nhất Châu Á khi đó cũng phải thua trận trước Anh – Pháp và phải lệ thuộc vào phương Tây.
Từ đó, Nhật Bản bắt đầu có xu hướng thoát khỏi những ảnh hưởng của Trung Quốc và muốn đứng trong hàng ngũ các nước văn minh thế giới với Anh, Pháp, Mỹ. Âm lịch dần không còn được xem trọng như Dương lịch.
Thiên Hoàng Minh Trị cho rằng muốn bắt kịp phương Tây về kinh tế thì trước tiên phải bắt kịp họ về thời gian. Vì vậy, Âm lịch được bãi bỏ và Nhật chuyển sang dùng Dương lịch.
Nhờ có thay đổi này mà Chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm tiền trả lương tháng thứ 13 cho công chức đồng thời còn giảm bớt số ngày nghỉ và tăng sản lượng quốc gia.
2.TẾT NHẬT BẢN VÀO NGÀY NÀO? – PHONG TỤC NGÀY TẾT Ở NHẬT
Hiện nay, người Nhật đón năm mới vào ngày 01/01 hằng năm theo lịch Dương. Ngày Tết ở Nhật được gọi là “Oshougatsu”. Dù người Nhật Bản ăn Tết âm hay dương thì những phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn được giữ nguyên nét truyền thống Á Đông.
2.1. Ngày dọn dẹp nhà cửa Osouji
Giống như ở Việt Nam, vào những ngày giáp tết người Nhật Bản thường dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Bởi theo quan niệm của họ vị thần Toshigami – sama linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ đến thăm nhà vào ngày đầu tiên của năm mới. Vì vậy, nhà cửa cần phải sạch sẽ để chào đón Thần.
2.2. Trang hoàng nhà cửa
Ngày 28 hoặc 30 hằng năm, người dân Nhật sẽ tiến hành trang hoàng lại nhà cửa. Họ trang trí cây tùng trước cửa nhà vì theo quan niệm của người Nhật, vị thần Toshigami – sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây tùng. Trên khung cửa của các gia đình còn trang trí các đồ vật như quả quýt tượng trưng cho sự thịnh vượng, dây thừng bện bằng cỏ để cầu tài lộc, dải giấy trắng xua đuổi tà ma…
2.3. Joya no Kane – Lễ rung chuông
Lễ rung chuông – Joya no kane là một truyền thống lâu đời được tổ chức ở Nhật vào đêm giao thừa. Hồi chuông dài được gióng lên 108 lần đánh dấu năm cũ qua đi năm mới lại đến. Bên cạnh đó, 108 tiếng chuông cũng tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo Phật giáo. Joya no kane có ý nghĩa thanh lọc tâm trí và linh hồn của mọi người vào năm mới.
2.4. Viếng đền thờ hoặc chùa – Hatsumoude
Chuyến thăm đền thờ hoặc chùa đầu tiên của năm mới là hoạt động truyền thống nổi tiếng nhất ở xứ Phù Tang. Các đền thờ lớn như Meiji Jingu sẽ mở cửa 24h bắt đều từ đêm giao thừa để người dân có thể đến cầu nguyện.
Bạn sẽ bắt gặp những cảnh tượng đông nghịt người xếp thành những hàng dài nối đuôi nhau vào đền, chùa để viếng và cầu nguyện tại những ngôi đền nổi tiếng. Vào dịp đặc biệt này, người Nhật còn rút các quẻ xem Omikuji để dự đoán những sự kiện đặc biệt xuất hiện trong năm. Mỗi quẻ sẽ có giá 500 – 1000 yên.
2.5. Thiệp chúc Tết Nengajo
Gửi tặng thiệp chúc mừng năm mới Nengajo là một nét văn hóa đẹp trong phong tục đón năm mới của người Nhật. Thông thường vào tháng 12, mọi người bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng những chiếc thiệp để dành tặng người thân, bạn bè và đồng nghiệp. ‘
Theo ông Hideo Suzuki, ông đã từng viết hơn 200 tấm thiệp mừng năm mới từ giữa tháng 12 và mang đến bưu điện gửi trước 3 – 4 ngày của năm mới. Các bưu điện ở Nhật Bản sẽ giữ tấm thiệp và chuyển đến người nhận vào đúng ngày Mùng 1 Tết.
Tết ở Nhật sẽ vào thời điểm mùa đông nên nhiệt độ rất thấp, có thể có tuyết rơi nhiều. Vì vậy, nếu sang Nhật hoặc ở Nhật Bản vào thời điểm này, bạn nên chuẩn bị đầy đủ áo ấm trước khi ra ngoài.
3. NHỮNG MÓN ĂN VÀO ĐẦU NĂM MỚI CỦA NGƯỜI NHẬT
Món ăn truyền thống – Osechi Ryori
Ở Việt Nam có “Bánh Chưng – Bánh dày” thì ở Nhật Osechi Ryori là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết. Osechi Ryori có nguồn gốc từ hơn 1000 năm về trước và được bắt đầu từ những món đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay số lượng món đã được tăng lên thể hiện cuộc sống sung túc, dư dả và viên mãn của người Nhật.
Mì trường thọ Toshikoshi Soba
Trong phong tục người Nhật, vào ngày cuối cùng của năm cũ mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức bát mì Soba. Mì Soba có đặc điểm dài, dai nhưng dễ cắn đứt thể hiện cho việc những xui xẻo của năm cũ được chấm hết và chào đón năm mới nhiều may mắn. Vì vậy, ngày 31/12 hằng năm các quán mì Soba ở Nhật lại tấp nập khách khứa.
Bánh Mochi
Mochi là món bánh không còn xa lạ gì với người dân cũng như du khách đến Nhật Bản. Mochi giống như một món bánh tròn vẹn dâng lên các Thần linh. Món bánh này cũng được dùng trong ngày tết trung thu ở Nhật. Trong quan niệm của người Nhật, Thần linh sẽ không thích những món ăn có hình thù nhọn nên những chiếc bánh mochi tròn mềm này rất thích hợp để thờ cúng.
Người dân xứ hoa anh đào còn có riêng một ngày để thưởng thức loại bánh này với tên gọi Kagamibiraki. Họ chỉ thưởng thức bánh sau khi đã cúng bái xong và ăn chung với súp Ozoni, chấm với đường hoặc ăn cùng chè đậu đỏ.
Vậy là câu hỏi “Nhật Bản ăn Tết âm hay dương?” đã có lời giải đáp. Tuy rằng, người dân xứ sở hoa anh đào không còn ăn Tết theo Âm lịch nhưng những giá trị truyền thống của họ vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận.